.
Tập thơ 17 (hoàn chỉnh) + các bài 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29 & 30 (tức là chùm thơ 8 bài của tập thơ thứ 18)
23. bài 23 ~ HOA VONG ƯU, ĐỔI MỚI VÀ ĐỔI MỚI
24. bài 24 ~ NGÀY TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NĂM NAY
25. bài 25 ~ NGÔI ĐÌNH PHAN HUYÊN
26. bài 26 ~ THƯỚC ĐO CỦA SỬ VÀ VĂN
27. bài 27 ~ MÙA HOA HỒNG BÁO HIẾU
28. bài 28 ~ BIỆN CHỨNG ĐỎ – VÀNG
29. bài 29 ~ HAI CHIẾC CẦU, HAI CHIẾC CÂN
30. bài 30 ~ BÌNH TÂM VỚI THƠ HOÀ GIẢI
.
Đã công bố trên Facebook
.
bài 23
HOA VONG ƯU,
ĐỔI MỚI VÀ ĐỔI MỚI
Trần Xuân An
chiến tranh là biện chứng
hoà bình màu hoa huyên (*)
phủ định của phủ định
quá khứ đào mai nguyên
trổ thêm nhánh Ý Hệ
vươn về thời xa xôi
nhìn chiến tranh cho thật
vẫn trên thân cây tôi
trổ vươn cành Đổi Mới
mọi chân trời xa xôi
năm ngoại xâm thành bạn
tôi trên đất nước tôi
tôi cũng là biện chứng
bình tâm màu hoa huyên
mới để mới hơn nữa
sách viết cành cũ nguyên.
T.X.A.
31-8-2017 (HB17)
(*) Cũng có nơi gọi là hoa hiên. Loại hoa này có màu sắc đặc trưng, tiêu biểu như màu nghệ, màu gạch nung, nhưng tươi sáng (sắc độ trung hoà giữa đỏ nguyên và vàng nguyên).
Đã công bố trên Facebook:
https ://www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/1927219937551948
bài 24
NGÀY TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NĂM NAY
Trần Xuân An
con đường vàng, Mỹ còn đang lợi dụng Pháp
con đường đỏ, Nga và Tàu ngồi trong đầu
chín năm, trước ngày cầu Hiền Lương chia cắt…
Tuyên ngôn Độc lập để dành cho mai sau
hoà giải là thấu hiểu vì sao như vậy
lịch sử hỡi ơi, chất chứa mạch buồn sâu
Luận cương Xô viết? (1) Đồng minh sao có Pháp?
như rắn ngành y, dấu hỏi vợi lòng đau! (2)
Quốc khánh nước mình cứ như Ngày Thầy thuốc
cũng Ngày Nhà thơ, bút nhả mực – dấu than
Tuyên ngôn Độc lập, nếu thật, là hoà giải
hiển hiện sống trong đời, không phải nghĩa trang
Tuyên ngôn Độc lập không phải con đường đỏ
quốc hiệu – con đường vàng, dân chủ quốc gia
cùng quốc kì Tháng Tám đỏ màu cộng sản
Chiến tranh Lạnh lưu vào Quốc khánh nước ta
trật tự lưỡng cực Yalta hình thành trước (3)
hai Khối chia nhau, sẽ chia cắt Việt Nam?
đau vận nước, trách ngoại cường và tự vấn
Tuyên ngôn Độc lập vẫn ngời sáng nghìn năm
dứt nội chiến – chống chéo ngoại cường xâm lược
tôi mười chín tuổi, Ngày Tuyên ngôn đã xa
mừng hoà bình, dù chỉ một bên toàn thắng
viết cho người đã khuất, người chưa sinh ra…
T.X.A.
01-9-2017 (HB17)
.
(1) Luận cương 1930 do TBT. Trần Phú viết, mang đậm chất Xô viết, như phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh 1930-1931.
(2) Biểu trưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO: World Health Organization): Rắn nhả nọc độc; thuốc vừa có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng là chất độc…
(3) Từ sau ngày 4 – ngày 11 tháng 02-1945, Việt Nam thuộc khu vực bị phân chia, mà khu vực Đông Nam Á này sẽ chịu sự chi phối của Mỹ và Phương Tây (trong đó có thực dân Pháp). Nhưng rồi cũng hình thành theo trật tự lưỡng cực – hai Khối, đứng đầu là Nga và Mỹ.
Đã công bố trên Facebook:
https ://www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/1928004364140172
bài 25
NGÔI ĐÌNH PHAN HUYÊN
Trần Xuân An
mười ba tuổi, xa quê đi học
điển huyên đường khiến mắt rưng nhoà (*)
nhớ quán nhà, bên đình phố huyện
tâm con khuây khoả – vong ưu hoa
ngực con thành ngôi đình thờ sống
mẹ sao đành cỏ phía bắc vườn
chiến tranh, đổ nhà, mơ hoá gạch
xây sinh từ của mẹ kính thương
lòng hiếu thuở học trò ngông ngạo
nên bút danh, nghĩa Người Mẹ thôi
con cầm bút, chăm lo, thương chữ
sách không là lũ trẻ mồ côi
tuổi nhỏ, học sách xưa, báo hiếu
xa mẹ, bút danh huyên ấm hồn
nay đình không đạt, đền không đạt
mộ mẹ hương khói trong thơ con.
T.X.A.
02-9-2017 (12-7 Đinh Dậu HB17, mùa báo hiếu)
(*) Theo điển tích xưa, trong văn chương cổ, hoa huyên (hoa hiên, kim châm, vong ưu – quên hết mọi phiền lo), trồng ở phía bắc ngôi nhà, là biểu tượng về Người Mẹ.
Cụ thể hơn, HUYÊN ĐƯỜNG (đường: 堂): nhà có trồng hoa huyên, thường được rút gọn thành một từ ghép là nhà huyên; HUYÊN ĐÌNH (2 chữ đình: 亭, nhà nhỏ, ngôi đình làng ; 庭, sân trước), thường được dùng với chữ huyên thứ hai: sân có trồng hoa huyên. Cả hai từ đều có nghĩa là người mẹ.
Tôi cảm thấy xúc động hơn với nghĩa: ngôi đình làng có trồng hoa huyên. Do đó, tôi lấy bút danh là Huyên Đình, Phan Huyên Đình (trong tâm tôi, có ngôi đình thờ sống người mẹ họ Phan).
Đã công bố trên Facebook:
https ://www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/1928030010804274
bài 26
THƯỚC ĐO CỦA SỬ VÀ VĂN
Trần Xuân An
đo thực chất nhân vật lịch sử
biết lấy thước gì?
có kẻ cam chịu tiếng tay sai
nhưng cháy bỏng lòng cứu nước
đo nhân cách chăng?
kẻ vì lợi, xa hoa, kẻ vì danh, trong sạch
giết hại người yêu nước chăng?
yêu nước vẫn đối phương chăng
nếu chính kiến khác?
đo tôn giáo, trào lưu tư tưởng, gốc gác?
hậu thuẫn bên ngoài, hậu thuẫn nhân dân?
chỉ biết đo bằng thành quả cuối cùng?
nhưng thành quả cuối cùng chưa đạt?
để đo được
phải gộp lại tất
thước đo hẳn muôn nơi, muôn thuở chung
đặt trong bối cảnh xa, gần, và thế nước
có những nhân vật anh hùng trong sử
khiến đời sau khóc thét
bàn tay nhuốm máu, kinh hoàng
có những tên như thể chân tu
nhưng phản quốc
không giết một ai
nhưng dìm chết dân tộc
bút sử lạnh lùng
cần lời bình chăng?
bút văn chương cảm xúc
cần chăng tỉnh người
đôi khi tự giật tóc?
đạo đức học cho tuổi học trò ngây thơ?
đạo đức học cho người trưởng thành, bản lĩnh?
có đạo đức học riêng về giới làm chính trị?
văn ơi, sử ơi, đừng loạng choạng, hư vô
và nhà chính trị ơi, đừng hòng lừa hậu thế.
T.X.A.
04-9-2017 (HB17)
.
Đã công bố trên Facebook:
https ://www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/1928823670724908
bài 27
MÙA HOA HỒNG BÁO HIẾU
Trần Xuân An
Vu lan mới với bông hồng
đỏ hay trắng vẫn tấm lòng rằm nguyên
nhớ cụ bà thầy Kiền Liên
đau con quý tộc, nẻo thiền tìm đi
oán y bát, hoá sân si
bà mẹ hiền bỗng khác gì quỷ ma
nếu rằm để kể tội bà
thì Vu lan tự xưa xa vắng chùa
thầy Liên cứu mẹ bao mùa
là cứu trăng, ố vì chưa hiểu thiền
nguyệt cầm chịu án đảo huyền
vì thương con, mẹ Kiền Liên chống chùa
chuông chùa rộng tiếng hương đưa
tâm bà trăng sáng dẫu mưa, quên phiền
ơn phúc hậu mẹ ta hiền
mẹ còn, hồng thắm, mẹ thiêng, trong hồng.
T.X.A.
04-9-2017 (14-7 Đinh dậu HB17)
Đã công bố trên Facebook:
https ://www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/1929053980701877