Bài thứ hai mươi mốt tập XXI
TỪ DẤU HỎI CỦA NHÀ THƠ LƯU QUANG VŨ
Trần Xuân An
chiến tranh từ đâu, từ bao giờ *
dấu hỏi buông lơi mà riết róng
anh lạ chi mốc sử Sơn Chà, Đà Nẵng
thuở tay Pháp treo lên thập giá lưỡi gươm
anh lạ chi Trung Hoa đòi bổ dọc sông Hồng
Bắc Kỳ mỏ, Bắc Kỳ gạo, Tàu chia, Pháp chiếm
anh lạ chi lá cờ Xô-viết Nghệ Tĩnh
độ ấy, làn sóng Nga đỏ tràn qua
cờ Đảng, cờ Nước treo chung thành cờ Liên Xô
ảnh lãnh tụ ngoại cường trên đầu dân tộc
bốn ngàn năm, lần đầu cách này dân ta chịu nhục
sau khi dựa Mỹ đuổi Nhật, giải giáp, đầu hàng
tôn giáo sợ bôi là thuốc phiện mê man
hộ tư doanh, trung nông sợ tịch thu hàng, mất đất
soi chiếu dân tộc bằng nhãn quan giai cấp
mặc dù Đảng giấu mình trong vỏ bọc Việt Minh
nội chiến bắt đầu từ Pháp lại xâm lăng
Việt Minh thoả hiệp! Và anh lạ chi Pháp cầm súng Mỹ
Vàng yêu nước, dựa Mỹ (kề Pháp) là nguỵ?
Đỏ yêu nước, dựa Nga (kề Trung) là tay sai?
hoa nở Điện Biên, Bến Hải vết chém chia hai
anh sáu tuổi đã vui liền buồn như thế
dấu hỏi anh ném ra, nhắm vào thời chống Mỹ
mười bảy tuổi vào bộ đội, dấu hỏi trong tim
không vĩ đại cũng không đáng thương *
anh bảo thế, gọt khúc cây làm muỗng
lấy vỏ đạn làm ca để uống
Mig của ai và AK của ai là câu anh ngầm trả lời
tận cùng sự thật, hiện thực sáng lên rồi
anh đã trải qua thời đất nước mình liền một dải
Trung Quốc cướp thêm đá bãi, máu tràn biên giới
mười năm “chiến tranh anh em Đỏ”, Campuchia!
nguyên nhân chiến tranh là vậy, đập vào mắt: lá cờ
mượn của Liên Xô làm quốc kì, còn đó
vì tự trọng dân tộc, vì dân tộc mình muôn thuở
độc lập rồi, cần thuần chất Việt Nam
kém hơn anh gần mười tuổi, thuộc lứa đàn em
tôi tâm sự với anh, một nhà thơ đã khuất:
hiện còn ít nước, quốc kì là phiên bản từ mẫu quốc
nhưng Việt Nam ta đã hơn 131 năm máu xương!
dấu hỏi anh, buông lơi, riết róng, và đau buồn
từ đâu, từ bao giờ, kháng chiến cũng là nội chiến?
dù sao, năm ngoại cường chỉ còn một – ngoại xâm biển
và chúng ta cần độc lập hơn, ngay ở quốc kì!
tôi là ai? Người cầm bút là gì?
kẻ tháo những nút thắt trong lịch sử
anh à, hoà giải dân tộc như thế đó
đất nước đoàn kết hơn, khi đổi mới quốc kì.
T.X.A.
chiều 23-9-2018
……………
(*) Xem bài thơ “Cơn bão” của Lưu Quang Vũ.
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2157506504523289
Bài thứ hai mươi hai tập XXI
TRỐNG ĐỒNG: QUỐC KÌ TỪ NGHÌN XƯA
Trần Xuân An
bối cảnh phải ngậm ngải tìm trầm
trầm độc lập tìm thấy rồi, phải nhả đi đắng ngải
nếu không thì hoá dại
không dại cầm cờ vệ tinh, quên khát vọng ban đầu!
Việt Nam khao khát tự hào trong sáng biết bao
chào cờ, không còn ngậm ngải đắng chát
quốc kì không còn nét màu ngoại lai rõ rệt
quên thời hoá dại, nội chiến cờ đỏ cờ vàng
chào cờ thuần chất Việt Nam
chứ chào chi lãnh tụ ngoại cường, đau hồn Đất nước
bối cảnh phải ngậm ngải tìm trầm, tranh đoạt
nay nhả ngải đắng thôi, tự hào trong sáng Việt Nam
cờ Tổ quốc bốn nghìn năm
không phải cờ triều đại hay cờ chính thể
quốc kì đúng nghĩa, Việt Nam ta chưa từng có
Trống Đồng vang lên, mỗi công dân vỗ khẽ ngực mình
Việt Nam vẫn biểu trưng bằng Trống Đồng
tổ tiên nghìn đời đã chế tác quốc kì cho dân tộc
ngậm ngải tìm trầm độc lập, nhưng cha anh quên mất
nên nội chiến cờ đỏ cờ vàng, thời hai Khối ngoại xâm!
chấp hành Hiến pháp, mọi người đứng nghiêm trang
trước cờ đỏ sao vàng – cờ chính thể
nhưng âm vang xưa sau như vỗ vào ngực khẽ
quốc kì nghìn đời là Trống Đồng.
T.X.A.
sáng 25-9-2018
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2158463521094254
Bài thứ hai mươi ba tập XXI
NỘI CHIẾN ĐỎ – VÀNG
Trần Xuân An
cờ vàng là cờ Triều Nguyễn
cờ đỏ là cờ Nga Xô
thuở xưa, có chàng tuổi trẻ
tay vỗ Trống Đồng đọc thơ
Trống Đồng mênh mông Bách Việt
đọng lại một Việt Nam thôi
nội chiến lồng trong ngoại chiến
đất Trống Đồng thẫm lại ngời
tìm trên Trống Đồng muôn thuở
dấu tay vua Hùng xưa xa
núi, đền Đồng Cổ in bóng
Đất nước hình cánh tay ta
nhắc giặc Hán già Mã Viện
thu đoạt nung chảy Trống Đồng
trụ đồng thành gò rêu phủ
cọc Bạch Đằng máu mãi hồng *
vỗ lên Trống Đồng vang sử
sứ Nhà Nguyên sợ, bạc đầu
vỗ cho cờ vàng, cờ đỏ
lưu bảo tàng, mà thương nhau.
T.X.A.
07:36 – 09:01, 27-9-2018 HB18
…………
(*) Câu đối của vua Tư Tông nhà Minh, Trung Hoa và của sứ thần Giang Văn Minh nhà Hậu Lê, Đại Việt: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục / Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Cột đồng đến nay, rêu vẫn lục / Sông Đằng từ cổ, máu còn hồng).
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2159342927672980
Bài thứ hai mươi bốn tập XXI
MẶC CẢM ĐỎ NGUỘI VÀNG NGUÔI
Trần Xuân An
thả thơ tôi, một đàn cá
trong dòng lịch sử hoài trôi
ngoại xâm, máu xương nội chiến
mong đỏ nguội, mong vàng nguôi
nguội và nguôi đi, sông sử
hai cờ, mặc cảm tôn, ti
đỏ Nga Xô, vàng Triều Nguyễn
đóng băng, sôi réo mà chi!
(trải nghiệm, nghiền ngẫm sách sử
đau đáu viết truyện làm thơ
rốt lại, hiểu ra nội chiến
cũng chỉ vì hai lá cờ!)
bờ nào cũng đầy mặc cảm
thế đó, khúc sông sử này
đàn cá thơ tôi lượn ngẫm
lặn tận bùn rong đến nay
lầm ngoại cường là dân tộc
tự tôn đỏ chứa nguy cơ
lầm dân tộc là chính thể…
buồn vàng, thất thế, ngẩn ngơ
vỗ lên Trống Đồng nghìn thuở
vọng vang hồn nước muôn sau
đàn cá thành chim Lạc hát:
tôn, ti mặc cảm, đều đau
thơ tôi làm sao nói hết
hãy vỗ Trống Đồng, lắng nghe
mặc cảm vàng, mặc cảm đỏ
khúc sông sử thức cơn mê
bông đỏ, vàng, lam, bảy đoá
cũng trên sọ người đôi bờ
đều tôn, đều ti mặc cảm
cá thành chim Lạc hát thơ
mỗi miền chỉ nửa dân tộc
mỗi họ có đỏ có vàng
quốc sử chống cả hai Khối
dứt mặc cảm dựa ngoại bang
đàn cá móng hoài điệp ngữ
chim Lạc ngoái hoài một thời
Trống Đồng vang hoài điệp ảnh
để lòng hậu chiến khuây vơi.
T.X.A.
trước 11:15, 29-9-2018 HB18
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2160387967568476
Bài thứ hai mươi lăm tập XXI
LÍ LỊCH & QUỐC SỬ
Trần Xuân An
tính ba đời, lí lịch nào cũng thế
dăm chấm đỏ xen lẫn dăm chấm vàng
hết mặc cảm dựa ngoại xâm hai Khối
khi quốc sử chống hai Khối xâm lăng
mỗi lí lịch đọng bi kịch đất nước
nhà chép sử lại thiên vị một bên
thuộc Khối nào cũng đứng về xâm lược
quốc sử bôi đen lí lịch nhọ đen.
T.X.A.
07:30-08:47, 04-10-2018
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2162831400657466
Bài thứ hai mươi sáu tập XXI
CHỮ
Trần Xuân An
dù sao, chúng ta cũng là kẻ sĩ
lẽ nào đành ngơ ngác về thời mình
tay bút chúc như trút lòng, cúi mặt
nhưng chữ chảy nghiêm, nói bằng nín thinh
kẻ sĩ nói với xưa sau bằng chữ
âm thanh vang từ miệng cũng chữ thôi
thời ta sống, mai sau không thể mất
mười ngón tay trên phím, cúi trước đời
chúng ta khiêm tốn, nhưng dòng chữ thẳng
trầm tĩnh như thiền, đau đáu một thời
thời ta sống, sao lớp sau viết giúp!
kẻ sĩ là bút, là phím, là lời
gửi thông điệp qua đàn phim tranh ảnh
cũng chuyển mã thành chữ trong hồn người
chữ từ điển vẫn chỉ là xác chữ
chữ thấu hiểu thời hay chỉ bèo trôi.
T.X.A.
06:11-07:40, 07-10-2018 HB18
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2164412877165985
Bài thứ hai mươi bảy tập XXI
ĐÀNG TRONG
GỒNG GÁNH THEO BỐN NGHÌN NĂM
Trần Xuân An
vai gồng gánh ba nghìn năm lịch sử
sau thắng Tống, và sau thắng Nguyên Mông
đất Bố Chính nối liền cùng Thuận Hoá
xua giặc Minh có địa đầu Đàng Trong
Đàng Trong rộng, triều Hồ, nhà Lê nới
núi Đá Bia vang vó ngựa Nguyễn Hoàng
từ chia Đàng, đã gần tròn lịch đại
bốn nghìn năm trong tâm thức, thúng quang
vào Nam tiếp, hai trăm năm mở cõi
công Chúa Nguyễn, lớn gần nửa nước non
nặng nguy cơ phía Bắc, Đàng Trong lún
Mũi Cà Mau đóng xuống để sống còn
suốt Đại Nam nhất thống bằng tiếng Việt
bốn nghìn năm, Nam tiến bảy trăm năm
nhớ tấc đất, ngọn rau ơn Chúa Nguyễn (1)
Đàng Trong trung, dù triều Nguyễn suy trầm
thuở cờ đỏ – cờ vàng, tìm độc lập
Mỹ và Nga uỷ nhiệm Pháp và Trung
con đường nào, rồi cũng Nga hoặc Mỹ
trước khi đau Bến Hải, bước thôi chung!
trách chi nhau, hỡi nỗi đau thế giới
Trống Đồng là Cương mục tiếp Toàn thư (2)
khác sông Gianh, Bến Hải là nhân loại
tường Berlin, Bàn Môn điếm cũng như.
T.X.A.
trước 22:03, 07-10-2018
………………
(1) Nguyễn Đình Chiểu
(2) Ngô Sĩ Liên – Sử quán Triều Lê; Quốc sử quán Triều Nguyễn.
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2164713000469306
Bài thứ hai mươi tám tập XXI
THUỞ ẤU TRĨ TẢ KHUYNH
Trần Xuân An
nhân dân thời áo ôm khố rách
em Phước tủi thân lê bước bơ vơ
mơ nước Nga, lão đầy tớ co ro ốm đói ¬(1)
trí thức ngỡ Công xã Paris trên sắc cờ
quý tộc, dân đen muôn đời cách biệt
như Tây Sơn đoạt giàu chia cho nghèo
tưởng liên bang xô-viết hơn dân tộc
thế giới đại đồng vua chúa đại đồng theo
vọng ngoại, xoá biên cương quốc gia, tư hữu
ruộng đồng chung, nhà máy cũng chung
sạch thực dân, giáo đường, không ngờ đế quốc đỏ
những cái không ngờ làm nên cách mạng, anh hùng
“bát cơm chan đầy nước mắt
bay còn giằng khỏi miệng ta” (1)
giặc Tây, “rồng năm móng vua quan thành bụi đất” (1)
Quang Trung đỏ, rồi cũng điện ngọc cung ngà
nỗi cay cực, nô lệ như bong bóng xẹp
bị bơm lên, ảo tưởng vượt cả mây trời
“ta vì ta, ba chục triệu người”, chiến đấu
“cũng vì ba ngàn triệu trên đời” (1)
thực tiễn dội lại, văng ra bao điều quá tả
so với các nước, độc lập mình chất ngất máu xương
trầm tư về sự thật:
tuyến đầu, hi sinh cho cường quốc đỏ
bạn ơi, thôi rủa cờ vàng quốc gia –
vàng tìm độc lập, khác đường
tuổi học trò dầm trong nhạc và thơ nhược tiểu (2)
nên bừng say rượu đỏ – văn chương vĩ cuồng
nồng độ ấu trĩ tả khuynh riêng tôi vẫn là dân tộc
cách mạng thế giới ư? Bằng pháp luật, yêu thương.
T.X.A.
trước 16:30, 08-10-2018 HB18
…………….
(1) Thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên.
(2) Trịnh Công Sơn: “Gia tài của Mẹ”:
https:// youtu. be/8sFOmBDl8lY
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2165111240429482
Bài thứ hai mươi chín tập XXI
HẬU CHIẾN, TỔNG KẾT
Trần Xuân An
thời máu lửa, chùm bảy bông, lại nhớ
ba đỏ, hai vàng, cùng nở hai lam
cuộc lách tìm độc lập, nhiều đoá nhất
thì thắng thôi, rồi thuần tuý Việt Nam.
T.X.A.
07:01-08:05, 10-10-2018 HB18
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2166030073670932
Bài thứ ba mươi tập XXI
“GIA TÀI CỦA MẸ: MỘT BỌN LAI CĂNG…” (1)
Trần Xuân An
dài quãng cách, mắt ngẫm nhìn toàn cảnh
Chiến tranh Lạnh – qua gần ba mươi năm (2)
trước chia rẽ, bút trầm tư, phân giải
đến bao giờ Đất nước thật Việt Nam?
sông Thạch Hãn xé lòng như Bến Hải
cũng vết thương Cầu Ý Hệ chưa lành
vàng “bội tình”, đỏ “lai căng” – ý nhạc
“bội” và “lai”, đau hơn thuở sông Gianh
“bọn lai căng”, “lũ bội tình” nội chiến
Thành Cổ ơi, “Gia tài của Mẹ” xưa!
cả hai sông đau nhạc buồn nhược tiểu
sạch ngoại xâm hai Khối, hả lòng chưa?
thương xương máu hai bên đầy thành đổ
sông nghẽn dòng xác lính đỏ lính vàng
cuộc phân liệt, các anh đều yêu nước
khác ý hệ, hoá “bội tình”, “lai căng”!
T.X.A.
05:12-07:01, 11-10-2018 HB18
…………..
(1) Trịnh Công Sơn: ”Gia tài của Mẹ” (1965):
https:// youtu. be/8sFOmBDl8lY
(2) Chiến tranh Lạnh: 1945-1991, về cơ bản, chấm dứt sau khi Đông Âu đỏ và Liên Xô sụp đổ.
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2166589016948371
Bài thứ ba mươi mốt tập XXI
ĐỘC LẬP
Trần Xuân An
tình cờ chăng, độc lập, khi Nhật bại
cũng ngẫu nhiên, khi Liên Xô không còn
hai thời gian sao quá chừng ngắn ngủi!
sự thật này, nói hay im thì hơn?
tự buộc chân, chim vướng vào cây mục
đã bừng thức bay tám hướng mười phương
dây cứu nước hoá ra ràng buộc nước
tình thân quen nay đâu tính gần đường!
phải chuyên chính mới có thiên đường đỏ?
như đàn chim thuần hoá ở trong lồng!
thời thế giúp đa phương và dân chủ
bản đồ Nước vỗ cánh giữa mênh mông
nên giũ sạch một ngàn năm nô lệ
cả di căn hơn trăm năm Tây Tàu
chưa thuần Việt miếu Văn cùng Lịch đại *
lãnh tụ Nga trong Hiến pháp, quá đau!
học thế giới nhưng không sùng ngoại quốc
người Việt Nam kính lịch sử Việt Nam
các tôn giáo đừng lạc vào chính trị
nước độc lập quốc kì đến dân tâm.
T.X.A.
06:12-07:01, 13-10-2018 HB18
…………..
(*) Văn miếu ở Hà Nội và Miếu Lịch đại ở Huế…
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2167577730182833
Bài thứ ba mươi hai tập XXI
CHỈ LÀ CHUYỆN ĐÃ THÀNH SỬ
Trần Xuân An
lắng sâu, suy tư sử kí
hồi ức thấm thía chiến tranh
cày bừa, xới qua lật lại
trên tay cát trắng chữ xanh
trắng giấy, tươi đen sắc chữ
lúc kẻ trên làm lịch sử
lúc do dân, lịch sử thành
kẻ trên có thời lừa dối
dân không đời đời mê muội
mặc cho quan lính bạo hành
quá thương yêu bao đầu xanh
bạc tóc, tôi trầm tư sử
sử nghiêng lệch, nước tròng trành
bình phẩm cờ vàng, cờ đỏ
chỉ là lí giải chiến tranh
làm rõ sử, lòng đã đành
khát vọng thì chưa thành sử
sử là bảy đoá trong tranh *
hoà giải, nhìn về quá khứ
giận chi nay mà làm lành!
T.X.A.
05:37-06:55, 15-10-2018 HB18
………….
(*) https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2166030073670932/
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2168675253406414
Bài thứ ba mươi ba tập XXI
HAI CÂU THƠ VỀ MÀU QUỐC KÌ
Trần Xuân An
có bài thơ hơn bốn mươi năm trước
tóc xanh, xúc động nghẹn ngào
hơn bốn mươi năm sau, đọc lại khi bạc tóc
nhìn thật sâu, ngoại xâm nội chiến ở đôi câu!
“mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai”
thơ Chế Lan Viên, phải chăng với nghĩa
“vàng nghìn xưa” phải mất, “đỏ tương lai” còn đây?
không phải sắc vàng của ngôi sao năm cánh
sắc vàng nghìn xưa dân tộc, tan theo triều đình!
cùng sắc đỏ tương lai, “Người đi tìm hình của Nước”
đã tìm ra ư biểu trưng Nước mình?
sắc vàng Nga Xô liên quan gì sắc vàng xưa nước Việt
sắc đỏ Nga Xô dính dáng chi sắc đỏ Việt xưa đâu
tư duy đế quốc đỏ
buộc quốc kì ta phải là cờ chư hầu
thơ Chế Lan Viên thế là đã rõ
cả ngôi sao năm cánh và sắc vàng
đều của Nga Xô tất
nền cờ đỏ cũng không phải đỏ Việt Nam
phải một còn một mất
sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ mai sau! —
đọc lại hai câu thơ, bây giờ cũng rưng nước mắt
thương Việt Nam mình, lính vàng, lính đỏ khổ đau
lính cầm cờ vàng giết lính đỏ
lính cầm cờ đỏ giết lính vàng
đều chống xâm lăng, cả hai bên đều yêu nước
Tổ quốc tan hoang.
T.X.A.
trước 10:12, 16-10-2018 HB18
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2169270026680270
Bài thứ ba mươi tư tập XXI
BÀI HỌC THUỘC LÒNG
Trần Xuân An
đỏ, vàng đều máu đổ
hai Khối đều tìm xương
năm ngoại cường lùi bước
vỡ mọi chủ nghĩa cuồng
đỏ, vàng đều yêu nước
bảy đoá Việt toả hương (1)
nở trên Cầu Ý Hệ
quốc sử ngời bốn phương
như đèo dốc, lịch sử
những lực ép, khó lường
đêm, bụi, sương, khuất khúc
cùng yêu nước, chia đường
cờ vàng và cờ đỏ
bảo tàng lưu tủ gương
trăm ba mốt năm đó (2)
sáng Việt Nam đau thương
lá cờ Nga Xô đỏ
dù thấm máu cũng buông
lá cờ vàng lệ thuộc
còn chi mà vấn vương!
quốc kì là quốc thể
hồn đất nước, cội nguồn
hướng tâm cả dân tộc
lẽ nào gốc ngoại cường!
Nga học lại dân chủ
giàu mạnh và bình thường
mấy trăm năm thực tiễn
không là học thuyết suông
trăm ba mốt năm ấy
cũng không uổng máu xương
vàng, đỏ ngời yêu nước
sử nước, sử quê hương
nhìn xa, mỗi triều đại
danh sĩ, mươi tên đường
nhìn gần, là danh dự
dòng họ, cõi âm dương
danh dự của hai phía
bôi nhọ nhau, bất lương!
dựa khối Nga, khối Mỹ
tìm độc lập khác đường.
T.X.A.
trước 08:40, 17-10-2018 HB18
…………….
(1) https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2063443687262905
(2) 1858-1989/1991
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2169773366629936
Bài thứ ba mươi lăm tập XXI
THƠ PHÙ PHIẾM
Trần Xuân An
đất nước còn miểng đạn
từ hai phía khác nhau
những bài thơ phù phiếm
vô cảm trên nỗi đau!
thơ cần sắc dao phẫu
thơ cần lành chỉ khâu
những bài thơ phù phiếm
số không rỗng mai sau.
T.X.A.
06:45-07:30, 18-10-2018 HB18
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2170260736581199
Bài thứ ba mươi sáu tập XXI
MƯỜI MỘT NĂM,
NGÀY GIỖ MẸ
Trần Xuân An
hầu hết chúng ta có trong tuổi đời
số tuổi mồ côi
ngước nhìn di ảnh song thân, vời vợi
để chiêm nghiệm màu nhang khói
màu mây trời
bâng khuâng tiếng chuông, tiếng mõ
hương hoa trên nấm mộ
chiêm nghiệm lẽ đời tàn lụi, sinh sôi
trong quãng tuổi mồ côi
cha mẹ vẫn bảo ban không lời
như vọng từ tuổi nhỏ
tiếng nói đất trời.
T.X.A.
trưa, 13:02-14:22, 19-10-2018
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2170937886513484
Bài thứ ba mươi bảy tập XXI
HOA DI CHÚC MỖI NGÀY
Trần Xuân An
~~ tặng hai bạn Nguyễn Thị Bạch Nhạn
và Phạm Bá Thịnh ~~
một loài hoa quá lạ lùng
đến trần gian nhắc người đừng vô tâm?
hình như đời đã hiểu lầm
hoa một ngày hay trăm năm từng ngày
hoa thời gian nhắc xưa nay
mỗi phút giây sống trọn đầy, trước đêm *
ngủ là chết, để nở thêm
đoá phù dung khác khi thềm sáng lên
khai sinh ra từ đêm đen
ban mai trắng, nắng trưa len vào hồng
chiều hôm nhuộm tím, nhớ không
hoa một ngày, trăm năm trong từng ngày
ba vạn sáu ngàn nụ đây
mỗi ngày di chúc mỗi dày trăm năm
toàn tập đời tôi khó cầm
tôi ôm trọn vẹn trong tầm tay tôi
thiên chức hoa nhắc nhở thôi
viết sao cho chữ muôn đời không phai!
dù từng trang hay từng bài
mỗi ngày kết đọng đời dài trăm năm
hoa là ngày, sách là tâm
thấu ba vạn sáu, vang, thầm đinh ninh
mãi tươi vào chữ, tận tình
phù dung, nhắc nhở hết mình, thiên thu.
T.X.A.
06:23-09:20, 20-10-2018 HB18
………….
(*) Ngạn ngữ: “Hãy sống như thể hôm nay bạn sẽ chết nhưng đồng thời hãy sống như bạn sẽ còn sống mãi”.
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2171351209805485
Bài thứ ba mươi tám tập XXI
PHÙ DUNG & VĨNH HẰNG
Trần Xuân An
~~ “Gieo gió, gặt bão” (Kinh Thánh) ~~
kiếp đời mong manh thoáng chốc
con người tin cõi vĩnh hằng
mãi còn linh hồn, hương ấm
tu vơi tội nghiệp thế gian
ai cũng vĩnh hằng, sống mãi
dù đi trên nẻo đạo nào
đều đối mặt cùng nhân quả
cho đẹp tình người, thanh cao
cõi âm dương là Trái Đất
niềm tin dung dị, lành thay
giữ gìn, trồng xanh thế giới
Đất tan, hồn sống đâu đây?
xác thân đều phù dung quá
sơ sinh thoắt đã già nua
hương linh vĩnh hằng, thức ngộ
thuở người thành người, xa xưa.
T.X.A.
07:23-09:01, 22-10-2018 HB18
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2172450959695510
Bài thứ ba mươi chín tập XXI
HOA PHÙ DUNG
Trần Xuân An
thơ ngây trắng
tươi tắn hồng
nồng úa đỏ
tím nỏ tàn
hoa thời gian
sương tràn mắt
chim hát vang
ngày hoa khác
tóc lại bạc
sau ngát xanh
sau hanh xám
thắm tuổi con…
T.X.A.
10:12, 23-10-2018 HB18
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2173033699637236
Bài thứ bốn mươi tập XXI
BÀI THƠ CUỐI VỀ HOÀ GIẢI
Trần Xuân An
trải rộng xa niềm thơ thời hậu chiến
để mai sau đừng trách trống quãng này
thơ phân giải, mong sử, văn chân thật
cờ Nga Xô, trên Đất nước, thay ngay
lính vàng cũ cũng chỉ cần danh dự
cần tự do, dân chủ thật, bình quyền
thơ tôi viết, góp chữ vào sử kí
nhiều sử chờ, ghi chuyển biến bình yên
đừng trách nhé, hỡi lớp người trẻ tuổi
thoát phân tranh, tôi mới khoảng hai mươi
thơ hậu chiến này đây, không quyền lực
dẫu chấp hành trói buộc, đã kêu đòi.
T.X.A.
13:34-15:20, 23-10-2018 HB18
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2173128926294380
VÀI DÒNG CUỐI TẬP THƠ
ĐỂ TRÁNH NGỘ NHẬN
Trong tập thơ này, tôi vẫn giữ nguyên ý tưởng không phủ nhận quá khứ của cả Đỏ lẫn Vàng. Đỏ và Vàng trong giai đoạn 1945-1975, tuy ngược chiều nhau, chiến đấu chống nhau, nhưng cả hai đều chống ngoại xâm hai Khối.
Tuy nhiên, tôi kiến nghị thay đổi quốc kì hiện nay (vốn lấy mẫu từ Liên Xô) và trong Hiến pháp không nên có tên các lãnh tụ quốc tế, nhất là lãnh tụ ngoại cường, như Marx, Lénine, vì danh dự của dân tộc, Tổ quốc Việt Nam chúng ta. Điểm này chính là nguyên nhân nội chiến – nội chiến đồng thời chống ngoại xâm hai Khối.
Một điểm khác, khi viết “Nga học lại dân chủ…”, tôi muốn nói, học thuyết về dân chủ đa nguyên, kinh tế thị trường tư hữu tư doanh, trên thế giới, cho đến nay, sau mấy trăm năm phát triển trong thực tiễn, vẫn còn nguyên sức sống, thoả mãn khát vọng công dân chính đáng của nhân loại. Chẳng lẽ nước ta không tham khảo, nhận biết sự thể đó sao? Tham khảo, nhận biết ấy thật cần thiết, nhằm hiểu rằng, Đỏ và Vàng trong Điểm nóng của Chiến tranh Lạnh, đều mưu cầu độc lập dân tộc, nhưng khác đường, để rồi đến nay, Đỏ đang lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi trên con đường Vàng đó.
Đó là những điểm trọng tâm có thể gây ngộ nhận trong tập thơ hoà giải dân tộc này.
Cũng có thể nói thêm: Tôi, người cầm bút, có khát vọng thể hiện nhận thức, suy tư và ý hướng của mình, mà ở loạt tác phẩm gần đây là hoà giải dân tộc, nhưng tôi, người công dân, tôi cũng phải chấp hành Hiến pháp, pháp luật.
T.X.A.
02-11-2018