Bài 72
KHÔNG SÙNG BÁI
Trần Xuân An
gặp Phật, cần giết Phật (1)
(giết sùng bái trong mình)
tay Phật chỉ trăng sáng (2)
trọng sáng, còn tay, khinh
Đạo Phật không sùng bái
thiền ngữ, nghe, thật kinh
như búa đập định kiến
ngộ rồi, thảy quân bình
nhà tôi có tượng Phật
thỉnh thoảng mèo trèo chơi
thảy đều có phật tánh
Phật chứng ngộ hơn thôi
“khiến dựng tượng mình
khắp trời mê muội
đày đoạ sinh linh
sương tên bụi tuổi”
quá lâu rồi, tôi viết
giờ nhớ lại, biết ơn
Phật bảo không sùng bái
phê phán sâu đằm hơn
Phật không phải Thượng đế
sao sai khiến chúng sanh
chẳng ai có phép thuật
Phật chỉ khuyên làm lành
Phật lìa xa chính trị
ăn mày lòng từ bi
không quyền lực lãnh tụ
là thầy diệt sân si
tượng ba mẹ, tượng Phật
tran chung mấy ngàn năm
sách Phật, đầu kính gối
lệ, mồ hôi sáng tâm
đồng, gỗ hay đất sét
chày chuông mõ thức Người
tượng bên bàn đàm đạo
Phật ngàn năm mỉm cười
tượng nhắc chuyện thiền cổ (3)
lỡ đường, mưa, ghé chùa
chẻ tượng Phật, sưởi ấm
Phật sáng lòng sư xưa
tám vạn bốn ngàn cửa
vẫn thoáng cửa tâm không
không tượng thì biểu tượng
Tịnh Độ vẫn Thiền Tông.
T.X.A.
sáng sớm Rằm tháng tư Đinh dậu HB17 (10-05-2017)
& sáng sớm 11-05-2017 (HB17).
___________________
(1) “Phùng Phật sát Phật, phùng tổ sát tổ”, lời của thiền sư Huệ Khai, một vị tổ dòng Lâm Tế, thể hiện tinh thần tự giác, tự tại, tự chủ, không sùng bái tha nhân, kể cả Phật, tổ sư môn phái (thụ giáo để rồi tự tu tập; “tự thắp đuốc mà đi”). Thiền tông thường dùng cách nói, cử chỉ cường điệu, dữ dội, tạo ra chấn động để phá chấp (đập vỡ định kiến…).
(2) “Ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng”, lời Đức Phật Thích Ca. Mặt trăng là mặt trăng. Ngón tay là ngón tay. Hãy nhìn theo hướng mà ngón tay chỉ để thấy mặt trăng. Nếu nhìn ngón tay thì sẽ không bao giờ thấy mặt trăng. Đừng lầm ngón tay là mặt trăng. Chân lí giác ngộ được ví như mặt trăng. Ngón tay là Phật pháp hay chính bản thân Đức Phật.
(3) Chuyện Thiền sư Đan Hà (Đan Hà Thiên Nhiên) chẻ tượng Phật để sưởi, nhằm khai ngộ ý thức phá chấp (ở đây là không sùng bái) trong Thiền tông.
Bài 73
ĐẠO TRỜI PHẬT
KHÔNG DỰNG TƯỢNG
Trần Xuân An
phục Đạo Hồi, Tin Lành
không bao giờ sùng tượng (*)
rỗng nhà nguyện, đền thờ
như Trời không hình tướng
Đạo Trời người Việt mình
không ca tụng, hát xướng
Trời – vạn vật hiển linh
không bao giờ dựng tượng
Đạo Hồi xây quốc giáo
thánh chiến bằng súng gươm
Chúa đâu thích ca ngợi
xua quyền lực máu xương
Đạo Trời Phật đất Việt
trọng thờ kính tổ tiên
tưởng niệm vạn năm khuất
hương toả ngoài bàn Thiên.
T.X.A.
11 giờ, 09-5-2017 HB17
____________
(*) Đạo Hồi, Tin lành giáo (Tân giáo Kháng cách nói chung) không thờ tượng, kể cả tượng Mahomet, Jesus trong đền thờ, nhà nguyện hay bất kì nơi đâu. Tuy vậy, tín đồ vẫn rất đông đúc và đức tin rất sâu sắc, mãnh liệt.
.
Ảnh minh hoạ: Google search
Bài 74
ĐỨC PHẬT
KHÔNG BẢO AI PHỤNG THỜ MÌNH
Trần Xuân An
bốn mươi chín năm không nói một lời nào
đó là lời cuối
Đức Phật nghiêm trang
trăn trối
Người buông bỏ quyền lực đỉnh cao, mặn nồng chăn gối
từ biệt cả thân sinh lẫn con đẻ của mình
bốn mươi chín năm đẩy lùi bóng tối
cuối cùng buông bỏ Đạo pháp, trần gian lại vô minh?
có thể buông bỏ tất cả, vì chúng sinh
nhưng sao buông bỏ Đạo pháp
một đời trăn trở, nghiệm suy, giảng truyền
với thân phận tận đáy cùng giai cấp?
áo vá, chân không, đầu trần, hành khất
gian truân thuyết giáo cứu độ chúng sinh
có lần, một cành sen Đức Phật đưa lên, im lặng
là giáo hội ư? Xuất gia?
Buông bỏ gốc thơm, biếc nước, đen sình?
vô ngôn? Là không nói, nhưng không phải không nói
truyền giảng bốn mươi chín năm
chỉ nhằm đánh lửa mà thôi
mỗi chúng sinh tự châm dầu dưỡng sinh,
tự thắp cho mình ngọn đuốc
giáo hội giữ lửa ở cành sen tinh khiết –
ngọn đuốc pha lê sáng soi
Đức Phật buông bỏ hết, chẳng mang theo chút gì
(khác bọn cầm bút chúng tôi!)
Người chẳng lưu lại một chữ,
chỉ trang kinh mây trắng xoá
không nét bút vẽ chân dung nào,
mà chỉ là lời học trò phác tả
Đạo pháp của Người cũng chỉ vô ngôn
đến Đạo pháp cũng bỏ buông,
thì bảo ai thờ làm chi
những mẩu xương còn sót lại
nhưng phong tục Nepal thờ, như mọi người mọi giới
cho dù có thành ngọc thiêng xá lợi hay không
còn tượng Phật về sau, như sau này, ảnh cha mẹ tổ tông
hậu thế đúc tượng, tùy mỗi dân tộc hình dung
Đức Phật chỉ còn vọng âm ở cành sen lửa đuốc
vạn trang kinh, giáo hội nguyên thủy dày công kết tập
nhưng cốt tủy Đạo Phật chỉ ít chữ tinh túy cõi đời
hai niềm Xót Thương, Vui Bỏ, một nụ Mỉm Cười
bốn bước Diệt Khổ, tự thắp quanh tượng Phật
từ cành sen là giáo hội như hình ngọn đuốc
lửa pha lê, khói không màu – hương sen
con người đối đầu với bao tranh đoạt, áp bức, bon chen
ước chi chùa là chốn an nhiên,
mọi lợi danh lắng trầm tan mất
xin đừng để lợi danh gắn đặt vào tượng Phật
tổng thể mọi ngôi chùa đều thanh khiết như sen
mỗi giáo hội quốc gia,
như cành bông sen, dáng hình ngọn đuốc
mỗi nước, mỗi nhà, mỗi người tự tỏa hương, thắp lửa mà đi
đừng xuất hiện giáo hội toàn cầu,
kẻo cục bộ, thực dân khuynh loát
sen trở thành quả đạn,
bắn vào tôn chỉ tự thắp đuốc của Người,
đâu có ích chi!
T.X.A.
06:11 – 08:33, 13-5-2017 (18-4 Đinh dậu HB17)
Bài 75
TÂM LINH BAO LÀNG THÔN XƯA
Trần Xuân An
giữa nhà trang nghiêm bàn thờ gia tiên
trang nghiêm, tượng giữa chùa: Phật tổ
như thờ mẹ cha: thờ Người Giác Ngộ (1)
phong tục thôi, chẳng ai dặn thờ mình
Lão tử vô vi, vô công, vô danh
hết sức mình, với cái không, tất cả
hậu thế vẫn vẽ vời tranh, tạc đá
(dù trực cảm hơn, nếu rỗng đền thờ) (2)
từ bi: cứu khổ, xót thương, hiền từ
hỉ xả: vui tặng, nhẹ buông, có thể
nhưng giữ từng phân đất rừng, đảo bể
người Việt mình thờ cung kiếm trong đình
quán pháp sư phảng phất Đạo Đức kinh
chùa thiền sư ngân nga chuông Bát Nhã
đình tiên hiền, dàn gươm đao sáng loá
trường nho sĩ vẫn duy lí nhất làng
biến động trăm năm, vẫn còn khói nhang
bàn Thiên, giường thờ, đình, chùa, nhà tộc
tâm thức dân gian ngàn xưa kết ngọc:
tín ngưỡng Trời Phật, in bóng chùa làng
Ông Trời không dáng nét, mà mênh mang
lặng trông thế gian tự do, nhân quả
cõi đời gieo gặt, cõi đời vay trả
Bụt cổ tích là Phật bảo ban đời
kiếm cung Giữ Nước, ngọc Trời Phật soi
ngọn bút Gia Tiên, nén hương Dòng Họ
đãi lọc, kết tinh, đọng hồn chừng đó
tâm linh thuần Việt, rộng mở mười phương.
T.X.A.
06:23 – 07:34, 14-5-2017 (Đinh dậu HB17)
& sáng sớm 15-04-2017
_____________________
(1) Buddha, phiên âm và gọi tắt từ ngàn xưa là Bụt. Buddha có nghĩa là Người Giác ngộ. Chính xác ngữ nghĩa là như thế.
(2) Quán thờ (đền thờ) rỗng không như đền thờ Hồi giáo, nhà nguyện Tin Lành giáo. Chính cái không (hư vô) mới là cốt tủy của Đạo Đức kinh.
Bài 76
TÍN NGƯỠNG TRỜI PHẬT
Trần Xuân An
Trời muốn không cả danh từ
vì chính Trời vốn là hư vô Trời
nhưng tội lỗi, hiểm ác đời
nên trong tín ngưỡng, hiện rồi Trời xa
vô hình như gió, Trời là
vô thanh, vô ngữ, bao la, là Trời
mọi huyền thuyết từ miệng đời
cùng lễ lạt, vô nghĩa thôi! Phàm lòng!
Người Giác Ngộ, thánh thần không
vì chúng sanh, đạo tinh ròng, sáng lên
Phật là Bụt rất thân quen
giản đơn chân lí, đâu nên thêu rườm
trả vay mượn, gặt gieo ươm
công lí chung cõi vô thường nhìn chung
nhìn riêng, từng phận, mung lung
cũng công lí đó, soi cùng Kính Tâm (*)
luật nhân quả cõi bụi lầm
nhai nuốt nhau, bầy đàn dâm bầy đàn
Trời Phật rõ, nước mắt tràn
mỉm cười, thấu suốt luật tàn nhẫn kia
bế tắc hang, cheo leo rìa
cõi âm đâu phải đã lìa luật dương
tự thắp đuốc Phật chỉ đường
tự trách nhiệm, Trời vô phương cứu đời
muôn loài tự cứu mình thôi
Ông Trời, Đức Phật nói lời nào đâu
chấp nhận tất yếu, đào sâu
vượt tất yếu, cùng mạnh giàu, người hơn
tiến hoá trên con đường trơn
đừng yếu lòng, ngã quỵ hồn cùng thân
loài người đã sáng mắt gần
sáng mắt xa, tiến hoá dần, văn minh
chuông thức tỉnh, trầm bổng kinh
bao ngôi chùa đó, thắp tình người thơm
pháp luật soi lòng sớm hôm
con đường tiến hoá, đạn bom, không sờn.
T.X.A.
06:01 – 09:50, 18-05-2017 (HB17).
.
(*) Quan Âm Thị Kính. Theo truyện cổ Việt Nam này, Thị Kính (Kính Tâm) gặp nạn hàm oan, không phải do quả báo, mà do sự thử thách sau chín kiếp sống theo hạnh bồ-tát, trước khi thành Phật Quan Âm. Đây là gút mở cho các trường hợp riêng (cụ thể) của luật nhân quả chung (phổ quát) cho cả cõi đời.
Không phải ai gặp nạn cũng đều do quả báo theo luật nhân quả.
.
.
ĐÃ ĐĂNG TẤT CẢ TRÊN FACEBOOK TRẦN XUÂN AN