Bài 77
CHUNG BỐN NGÀN NĂM TRONG MỖI NGƯỜI
Trần Xuân An
cứ hoài viết chuyện ngày xưa
thời còn trẻ tuổi và chưa chào đời
chút nghĩa ân lẫn nợ đời
ghét hai phía giặc, quên người khổ đau
hai miền – hai phía – nối nhau
năm mươi ba gốc bí bầu giàn xưa
tam giáo còn lại ngôi chùa
đình làng, nhà tộc vạn mùa tương lai
khác nhìn, chẳng phải chia hai
gốc chung cổ sử sâu vài ngàn năm
Cầu Ý Hệ hai bờ lầm
rửa tiếng Việt, rịt vết bằm lòng nhau!
thù chung, hai miền khác đâu
một tự tan, năm cúi đầu chào thua (*)
sự thật đó, nói như đùa
ý hệ Việt như cũng vừa lòng dân
thời gian nào cũng qua dần
cùng ngẩng mặt mới rất cần vào thơ.
T.X.A.
20:01 – 23:01, 17-05-2017 (HB17).
_______________
(*) Liên Xô (Nga Sô) và Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc – Kh’Mer Đỏ.
.
Bài 78
ĐỌC LẠI LÁ THƯ TRẦN TRỌNG KIM
GỬI HOÀNG XUÂN HÃN, 08-05-1947
Trần Xuân An
đọc thư vàng riêng
cái nhìn riêng nhà viết sử
đọc những công thư hồng
gửi Nhà Trắng còn nguyên
đọc Điều lệ đỏ
sùng bái ngoại cường, chói lọi tuổi tên
hiểu lứa tuổi cha ông chia khác ngả
chống ngoại xâm, thành Hai Khối, hai bên
rồi đúng như thư vàng riêng
lừng lẫy Điện Biên
cờ vàng phía trong Hiền Lương bị đoạt
ngọn lửa Thích Quảng Đức
tưởng chừng lại thắp
nhưng ngọn cờ vàng ai buộc vượt biên?
Điện Biên quét sạch giặc Pháp
Sài Gòn lật đổ, 1963
ngẫm nghĩ thêm thư Trần Trọng Kim thuở trước
bão táp ngả nghiêng lứa tuổi ông cha!
bao nhãn ngoại, cháu con xót xa nước mắt
Đất nước yếu nghèo, ngoại xâm hiểm ác
cả dân tộc rách rưới đứng ngã ba
một lá thư riêng, sao làm sử khác?
đối chiếu chăng? Điều lệ đỏ, rõ ra
Liên Xô chỉ muốn đấu tranh giai cấp
Bác Hồ chỉ mong đánh đuổi thực dân
tròng trong thư, giao Trung Quốc là thật
cổ nước mình, vai xương máu ngút ngàn!
dẫu sao cũng đã và đang độc lập
mong thuần Việt, vì quốc thể chúng ta
dân tộc mơ niềm tự hào trong vắt
vứt nhãn ngoại lai chia rẽ mỗi nhà.
T.X.A.
sáng sớm 22-05-2017 (HB17)
.
Nguồn ảnh: Nguyễn Đức Toàn (Viện Hán Nôm)
Bài 79
CẦU Ý HỆ KHỔ ĐAU NÓI THẬT
Trần Xuân An
số phận buộc làm chiếc cầu Hiền Lương
trên hai vai, mưa dầm, nắng rát
cúi đầu, lặng trông máu xương, nước mắt
sóng ngập chân cầu, sóng vỗ đôi bờ
không chỉ bằng sắt gỗ, với hai màu sơn khô
số phận chiếc cầu, gọi đúng tên: Cầu Ý Hệ
xung đột Phương Tây, sao tại đây? Nổ bùng, cấu xé
chỉ thuần chất dân tộc mới nối được hai miền
đừng dựng trên cầu Thập giá hay Búa liềm
nhãn hiệu ngoại lai gây máu xương, nước mắt
cũng đừng dựng trên cầu biểu trưng Vạn Phật
chỉ thuần Việt Nam mới nối liền muôn thuở Việt Nam
với khát vọng tận sâu thẳm lương tâm
ba năm rưỡi qua, thơ, truyện tôi là thế
muốn in chín mươi triệu bản, ráp thành Cầu Ý Hệ
mười phương vẫn thuần chất Việt Nam.
T.X.A.
05:14 – 08:01, 22-05-2017 (HB17)
.
Ảnh: Trần Xuân An đứng ở bờ Nam cầu Hiền Lương, 2002 (mười lăm năm trước)
Bài 80
KHÚC XẠ VÀ PHẢN CHIẾU:
BỤT VÀ PHẬT DÂN GIAN *
Trần Xuân An
quê quán Bụt chẳng đâu xa
sinh trong truyện cổ, gốc là dân gian
Phật Thị Kính sáng chùa Vân
trú miền lục bát, căn phần ca dao
Bụt và Phật đều đồng bào
nói bằng tiếng Việt ngọt ngào ngàn xưa
khác xa chữ, tượng, trong chùa
hai Người Giác Ngộ, dạ thưa, người mình
Văn Lang, sương trắng tâm linh
Bụt người Tây Trúc sao hình dung ra
Câu Ly, viễn hoá Phật ta
bẻ tia, phản chiếu tinh hoa, khắc hồn
dáng tiên tổ trong cháu con
Bụt thuần Việt, tóc bối tròn, trắng râu
Phật rịt yếm, áo tiểu nâu
hai Người Giác Ngộ, ngàn sau nguyên lành
chỉ ra nhân quả vòng quanh
oan ngoài nhân quả, trưởng thành chúng ta
mỗi Bụt, mỗi nước, mỗi nhà
triệu muôn gương mặt cũng là Phật thôi.
Bụt và Phật, còn bóng Trời
Trời không giáng thế, quê Trời có đâu
Trời: luật nhân quả, xưa sau
con đường tiến hoá chậm mau do đời.
T.X.A.
tối 27 & 06:01 -06:28, 28-5-2017 (HB17)
.
(*) Bụt, phiên âm và gọi tắt từ Buddha. Về sau, phiên âm thành Phật. Buddha có nghĩa là “Người giác ngộ”. Bụt trong bài thơ trên là hình ảnh Đức Phật đã khúc xạ (bẻ tia ánh sáng) qua tâm linh Việt cổ. Phật Quan Âm Thị Kính xuất hiện sau (thời Luy Lâu đã có chùa), là người Việt, được viễn hoá thành người Câu Ly (Cao Ly); và tôi xem đó như một sự phản chiếu (chiếu ngược) từ nội sinh ra ngoại sinh.
.
Bài 81
BÀI KỆ VỀ QUẢ ĐỊA NGỤC VÀ TIẾN HOÁ
Trần Xuân An
trong đầu nẩy ý như mầm độc
tâm đã tự nhơ, ô nhiễm đời
mỗi chút việc lành, đời mỗi tốt
con đường tiến hoá, tùy con người
quả đất chính là quả địa ngục
ăn rau cũng phải sát sanh rau
quần dâm: thú vật, cỏ cây khắp
tiến hoá, loài người vượt khổ đau
E-va tạo lỗi, tràn Hồng thuỷ
Chúa cứu Nô-ê, xui tội đời *
mỗi lễ biểu trưng ăn thịt Chúa
uống luôn máu Chúa, tội nguyên thôi **
tất yếu tự nhiên kinh khủng quá
may còn mĩ tục, luật nhân quyền
hiểu sâu tất yếu, sống hùng mạnh
tiến hoá, lạc quan, tâm phải thiền
tín ngưỡng là nhân trái địa ngục
sáng đường tiến hoá, khổ tâm vơi
việc lành thúc đẩy niềm kì vọng
tiến hoá, không sai tầm mức người.
T.X.A.
sáng 28-05-2017 (HB17)
(*) Hai gia đình gồm con cháu A-đam – E-va (Adam – Eve, Địa đàng; thuỷ tổ loài người I) và Nô-ê (Noah, sau Đại hồng thủy; thuỷ tổ loài người II) phạm tội quần dâm. Hai sự tích này thuộc loại huyền thuyết khởi nguyên, tái khởi nguyên.
(**) Nghi thức ăn bánh thánh, uống rượu nho thánh trong lễ mi-sa, được thực hiện theo lời Chúa Jésus: “Này là mình ta, này là máu ta…”. Bánh thánh còn được gọi là “Mình thánh Chúa” (tức thân xác hiển thánh của Chúa). Rượu nho thánh là “máu Tân ước”, tức là máu của Chúa Jésus, người đã rao giảng Tân ước. Nghi thức ăn thịt, uống máu thánh này chỉ có tính chất biểu tượng.
.Ảnh: Tập quán ăn thịt sống, uống máu tươi
Nguồn ảnh: Google search.
Bài 82
TẾT MÙNG NĂM
Trần Xuân An
xa Tết thắp xuân, đơm Tết hạ
nhang như tia dội nắng nghiêm trưa
bàn Thiên, hoa trái thơm men nếp
mượn tích, toả hương thơ Việt xưa
tiếng vịt thuở nào vui lối xóm
về thăm bên ngoại của duyên tình
ơn thầy dạy chữ, ơn thầy thuốc
ơn thợ có tâm trong mộng đinh
chỉ một trưa thôi, lòng nhớ khắp
đùng đình xanh lá cũng trừ tà
lòng người đâu phải hoài thuần khiết
trong sạch vẫn lo quỷ chính ta
trọn vẹn nếp xưa nhưng giản dị
đoan dương, nên chẳng dám đa đoan
gia tiên, kính nhớ, vun tình nghĩa
nắng cắm, dội lên tia lửa nhang.
T.X.A.
5-5 Đinh dậu HB17
.